Warhammer 40,000 hay Warhammer 40k là một trò chơi tabletop mô phỏng chiến tranh với các mô hình thu nhỏ do công ty Games Workshop (Anh Quốc) sản xuất, được xem là trò chơi phổ biến nhất trên thế giới thuộc thể loại này, đặc biệt là ở Vương quốc Anh và Mỹ. Ấn bản đầu tiên của sách quy tắc – hay sách mô tả luật chơi (rulebook) được xuất bản vào tháng 9 năm 1987, đến nay Warhammer nói chung là một franchise trị giá hơn 12 tỷ USD.
MỤC LỤC
Lối chơi đòi hỏi sự đam mê và tỉ mỉ
Tương tự như các game tabletop mô phỏng chiến tranh bằng mô hình thu nhỏ khác (miniature wargame), Warhammer 40k sử dụng các mô hình khí tài và binh lính được sắp đặt trên một sa bàn tái hiện chiến trường, bao gồm các mô hình tòa nhà, đồi núi, cây cối và các đặc điểm địa hình khác để đấu với đối phương. Những trận đấu mang tính chiến thuật này được giải quyết bằng cách sử dụng xúc xắc và các công thức số học.
Với khả năng tùy chỉnh gần như không giới hạn, bàn chơi hay sân chơi của Warhammer đôi khi không có quy định cụ thể về bố cục, người chơi có thể sáng tạo thỏa thích. Tất nhiên Game Workshop có bán những bàn chơi chuẩn và độc quyền với những quy tắc cố định, nhưng những người chơi lâu năm và có điều kiện thích tự thiết lập sân chơi cho mình hơn, vì ngoài lý do là để chơi, nó còn vì mục đích trưng bày. Một sa bàn lý tưởng cho Warhammer 40k thông thường có kích cỡ chiều rộng tối thiểu là 1.2 mét, tuy nhiên cũng có nhiều hình mẫu khác.
Mô hình nhựa của các đơn vị lính trong trò chơi được Games Workshop bán lẻ rất phong phú, người chơi mua về cùng các loại sơn acrylic và keo dán, sau đó tự lắp, sơn phết cho chúng. Quá trình chuẩn bị này tốn thời gian, đòi hỏi sự tỉ mỉ và am hiểu về game, tất nhiên nó cũng yêu cầu người chơi có điều kiện tài chính nhất định, bởi một bộ mô hình Warhammer 40k có thể có giá từ vài chục đến hơn 100 USD, ví dụ như các bản boxed-game.
Để chiến thắng trong một màn chơi phụ thuộc vào loại “nhiệm vụ” mà người chơi chọn cho trò chơi của họ. Nó có thể liên quan đến việc tiêu diệt kẻ thù, hoặc phòng thủ một vị trí trên chiến trường trong một khoảng thời gian nhất định, hoặc giữ và sở hữu thánh tích (relic) nào đó trong một khoảng thời gian nhất định nhằm chiếm ưu thế trước kẻ thù. Tất cả dựa trên xương sống là toàn bộ cốt truyện (lore) đồ sộ của game.
Cốt truyện đồ sộ dựa trên văn học nghệ thuật và điển tích tôn giáo
Không phải ai cũng có điều kiện để thực sự theo đuổi trò chơi tabletop như Warhammer 40,000 nên có nhiều fan hâm mộ chọn tiếp cận game với các hình thức đơn giản hơn như chỉ sưu tầm một vài mô hình họ thích, tiến tới mục đích trưng bày chúng như gundam hay đại loại thế. Các fan cũng theo đuổi các xuất phẩm ăn theo như tiểu thuyết, truyện tranh, phim ảnh và game, nhằm khám phá cốt truyện của thế giới đen tối nhưng thú vị này.
Các xuất phẩm hư cấu của Warhammer 40,000 đều lấy bối cảnh một thế giới loạn lạc, có phạm vi thời gian trải dài, xuyên suốt khoảng 39.000 năm trong tương lai, đến thiên niên kỷ thứ 42 khi. Lúc này, nền văn minh nhân loại phải đối mặt với các hiểm họa từ ma quỷ và các giống loài ngoài hành tinh khác. Warhammer 40,000 trình bày các nội dung chủ yếu được xem là khoa học viễn tưởng, nhưng nó cũng bao gồm các yếu tố như tinh thần lực, phép thuật, sinh vật siêu nhiên, dị giáo, các chủng tộc truyền thuyết như Ork và Elve.
Một vài khái niệm như psyker – những người sở hữu năng lực tâm linh cũng được đưa vào. Các hình ảnh, biểu tượng, khái niệm đối lập nhau như hỗn mang, trật tự, thế giới vật chất và phi vật chất… cũng tồn tại và nó rất phong phú, được truyền cảm hứng từ các thuyết trong kinh điển tôn giáo, văn học nghệ thuật cổ điển hoặc các trò chơi khác có liên quan, ví dụ như Dungeons & Dragons, thế giới Middle Earth của Tolkien…
Ví dụ, các vị thần hỗn mang (Chaos God) đã được thêm vào bối cảnh bởi nhà sáng tạo Bryan Ansell và được phát triển thêm bởi tác giả Rick Priestley. Priestley cảm thấy rằng khái niệm về Chaos của Warhammer được Ansell trình bày chi tiết trong phần bổ sung Realms of Chaos quá đơn giản và quá giống với các tác phẩm của Michael Moorcock, vì vậy ông đã phát triển nó hơn nữa, lấy cảm hứng từ tác phẩm Paradise Lost (Thiên Đường Đã Mất) của John Milton.
Câu chuyện về những người con trai Primarch được sủng ái của Hoàng đế khuất phục trước sự cám dỗ của Hỗn mang được dựa trên sự tha hóa của Satan trong Paradise Lost. Các chủ đề tôn giáo chủ yếu được lấy cảm hứng từ các điển tích của Cơ đốc giáo. Daemon trong game là biểu hiện của ham muốn và cảm xúc của con người, thông qua Warp mà hiển hiện thành hình dạng vật chất – ý tưởng này xuất phát từ bộ phim Forbidden Planet năm 1956.
The Emperor of Mankind (Bố Hoàng – theo cách các fan hay gọi) được lấy cảm hứng từ nhiều vị thần hư cấu khác nhau, chẳng hạn như Leto Atreides II từ tiểu thuyết God Emperor of Dune của Frank Herbert, và King Huon từ tiểu thuyết Runestaff của Michael Moorcock. Sự đau khổ của Hoàng đế trên ngai vàng vì lợi ích của nhân loại phản ánh sự hy sinh và chịu khổ để cứu rỗi chúng sinh của Chúa Jesus Christ. Có thể nói, Warhammer 40,000 rất phong phú.
Khái niệm “Grimdark” – một thể loại thú vị không dành cho trẻ nhỏ
Điều đáng nói nhất là Warhammer 40,000 đã khai sinh ra khái niệm “Grimdark” – về sau được công nhận là sub-genre của thể loại Giả tưởng suy đoán (hay Giả tưởng tự biện, Speculative fiction), một phạm trù giả tưởng rộng lớn đã tạo điều kiện cho trí tưởng tượng của rất nhiều nhà sáng tạo bay cao bay xa. Tất cả dựa trên tagline của Warhammer 40,000: “In the grim darkness of the far future there is only war.“
Các xuất phẩm Grimdark thường có giọng điệu, màu sắc, phong cách hoặc bối cảnh đặc biệt đen tối, vô đạo đức hoặc bạo lực đến tột cùng. Nó được mô tả là một thể loại “anti-Tolkien” – tức nó mô tả những cuộc phiêu lưu, những cuộc chiến, những nhân vật anh hùng, sự kỳ vĩ, nhưng nó hướng tới và kết thúc trong nỗi đau, nỗi sợ, sự loạn lạc, đau buồn, những thứ tiêu cực và đáng sợ, ví dụ như tác phẩm A Song of Ice and Fire của George R. R. Martin là Grimdark.
Viết trên tờ The Guardian vào năm 2016, cây bút Damien Walter đã tóm tắt, những gì ông coi là “sự thống trị” của thể loại Grimdark là “dùng đao kiếm lớn hơn, rìu lớn hơn, chiến đấu nhiều hơn, đổ máu nhiều hơn” và “thu hút độc giả là nam thanh niên”. Ông thấy xu hướng này đối lập với “một thể loại giả tưởng thực sự sử thi và mang nhiều sắc thái cảm xúc hơn” theo lối kể chuyện truyền thống.
Cộng đồng Warhammer 40,000 ở Việt Nam khá nhỏ và sơ khai so với fandom Âu Mỹ, tuy nhiên số lượng thành viên tăng lên từng ngày thông qua việc tìm hiểu lore, chơi game và sơn mô hình… Để có cái nhìn trực quan nhất về bối cảnh, các nhân vật và sự kiện trong game, bạn có thể tham khảo qua Empire Capital Shop – một trong những đơn vị lớn nhất phân phối sản phẩm liên quan đến Warhammer.
Đọc thêm: Henry Cavill là fan của Warhammer 40,000